Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Nhật ký Seagame 28 ngày thi đấu hôm nay (8/6): Wushu hoàn thành chỉ tiêu, Ánh Viên không thể tiếp tục gặt Vàng

(Bongda24h.vn) – Một ngày thi đấu mà các VĐV thuộc bộ môn Wushu và Thể dục dụng cụ đã thi đấu nỗ lực để mang về cho Đoàn TTVN thêm 5 HCV, qua đó giữ vững thành tích đứng thứ 2 toàn đoàn của SEA Games 28. Tuy nhiên, trên đường đua xanh, siêu kình ngư Ánh Viên chưa thể có tấm HCV thứ 5 mà thất bại đáng tiếc nhất là ở cự ly 100m tự do nữ khi thua sít sao VĐV nước chủ nhà.

BẢNG TỔNG SẮP HUY CHƯƠNG SEAGAME 28

DANH SÁCH CÁC VĐV VIỆT NAM ĐOẠT HCV Ở SEAGAME 28

Lịch thi đấu, Kết quả bóng đá nam SEA Games 28-2015

Lịch thi đấu Sea Games 28 ngày hôm nay (8/6) của đoàn thể thao Việt Nam

Tổng hợp thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ngày 8/6
– Huy chương vàng

1. Đinh Phương Thành – Đơn nam toàn năng (Thể dục dụng cụ)

2. Trần Xuân Hiệp – Đao thuật nam (Wushu)

3. Phan Thị Hà Thanh – Đơn nữ toàn năng (Thể dục dụng cụ)

4. Hoàng Văn Cao – Hạng cân 60kg tán thủ (Wushu)

5. Nguyễn Văn Tài – Hạng cân 65kg tán thủ (Wushu)

– Huy chương bạc

1. Phạm Phước Hưng – Đơn nam toàn năng (Thể dục dụng cụ)

2. Nguyễn Thị Ánh Viên – 100m tự do nữ (Bơi lội)

3. Trần Duy Khôi – 200m ngửa nam (Bơi lội)

4. Dương Thúy Vi – Biểu diễn thương thuật nữ (Wushu)

5. Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú – Đồng đội nam (Bóng bàn)

– Huy chương đồng
1. Ngô Ron – Bi sắt đơn nam
2. Vũ Thị Linh – K1-500 m nữ (Canoeing)
3.Nguyễn Thị Hải Yến, Đỗ Thị Thanh Thảo, Ma Thị Tuyết, Dương Thị Bích Loan – K4 500m nữ (Canoeing)
4. Hoàng Lê Thanh Thúy, Ngô Phương Mai – 3m nhảy cầu mềm đôi nữ
5. Lê Thị Ngọc Anh – Hạng cân 45kg-48kg (Quyền anh)
6. Nguyễn Thị Nga, Mỹ Trang, Tường Giang – Đồng đội nữ (bóng bàn)
7. Trần Thúy Duy – Hạng cân trên 78 kg (Judo)
8. Nguyễn Mạnh Quyền – Đao thuật nam (Wushu)
9. Huỳnh Ngọc Tân – Hạng cân 46-49 kg (Boxing)

10. Nguyễn Thị Ánh Viên – 50m ngửa nữ (Bơi lội)


Tổng kết ngày thi đấu 8/6, đúng như kỳ vọng, bộ đôi VĐV Đinh Phương Thành và Phan Thị Hà Thanh đã giành 2 HCV ở chung kết nội dung đơn nam toàn năng và đơn nam toàn nữ. Ngoài ra, VĐV Phạm Phước Hưng cũng đóng góp thêm 1 HCB cũng ở nội dung đơn nam toàn năng. Ngoài TDDC, một bộ môn khác cũng có ngày thi đấu thành công là Wushu khi có được 3 HCV và 1 HCB. Cụ thể, các VĐV Trần Xuân Hiệp (nội dung Đao thuật nam), Hoàng Văn Cao (Tán thủ hạng 60 kg), Nguyễn Văn Tài (Tán thủ hạng dưới 65 kg) đã xuất sắc về nhất ở các nội dung thi. Có một chút tiếc nuối cho cô gái vàng Dương Thúy Vi, khi cô chỉ có thể giành HCB nội dung thương thuật nữ do kém 0,01 điểm so với người cao điểm nhất là Oo Sandi của Myanmar.

Nếu như hôm nay là ngày thi đấu thành công của TDDC và Wushu khi mang về cho Đoàn TTVN 5 HCV thì đây lại không phải một ngày thật sự như ý của bơi lội. Dù đã nỗ lực song kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ giành được 1 HCB (100m tự do nữ) và 1 HCĐ (50m bơi ngửa nữ). Ngoài Ánh Viên, Duy Khôi có được 1 HCB ở nội dung 200m bơi ngửa nam trong khi Hoàng Quý Phước không giành được huy chương nào. Kết quả trong ngày thi đấu 8/6, Đoàn TTVN giành được 5 HCV, 5 HCB và 10 HCĐ, qua đó giữ vững thành tích đứng thứ 2 toàn đoàn ở SEA Games 28.

– Ở nội dung cuối cùng trong ngày: chung kết đồng đội nam môn bóng bàn. Dù tay vợt kỳ cựu Trần Tuấn Quỳnh đã ra quân đầy ấn tượng khi bất ngờ giành chiến thắng 3-1 trước Li Hu với tỷ số các set 11-7; 11-4; 6-11; 12-10 song tại các trận sau đó, bằng đẳng cấp và trình độ vượt trội, các tay vợt nước chủ nhà Singapore (toàn bộ đều nhập tịch từ Trung Quốc) dễ dàng thắng ngược 3-1. Tại trận đánh đơn thứ hai, Nguyễn Anh Tú thua trắng 0-3 (9-11, 4-11, 8-11) trước Gao Ning, tay vợt số 1 Singapore từng đứng 19 thế giới và trước đó đã giành HCV đơn nam Seagame 28. Ở trận thứ 3, Đinh Quang Linh cũng thua 0-3 trước Chew Zhe Yu (7-11, 4-11, 7-11). Đến trận thứ 4, Tuấn Quỳnh chạm trán Gao Ning. Dù thi đấu đầy nỗ lực, bất chấp bị chấn thương đầu gối song rốt cục tất cả những gì tay vợt Việt Nam làm được là thắng được 1 set và thua chung cuộc 1-3 (5-11, 6-11, 11-6, 9-11). Như vậy, VN chỉ có một tấm HCB ở môn bóng bàn nhưng đó là điều đã được dự báo từ đầu.

– Tại chung kết 200m bướm nam môn bơi lội, Phan Gia Mẫn không thể làm nên bất ngờ như Trần Duy Khôi khi chỉ về đích thứ 5 chung cuộc và không mang về cho bơi lội Việt Nam thêm một tấm huy chưong nào. Schooling của Singapore tiếp tục khẳng định sự thống trị trên đường đua xanh dành cho nam ở Seagame 28 khi đoạt HCV và lại phá vỡ một kỷ lục Sea Games.

– “Cô gái vàng” làng Wushu Dương Thúy Vi đã thất bại cay đắng ở nội dung biểu diễn Thương thuật nữ sở trường mà từng giúp cô đoạt HCV Asiad 7 (Thương thuật + kiếm thuật). Thúy Vi đã trình diễn xuất sắc, giành số điểm rất cao 9,71 nhưng vẫn phải xếp sau VĐV Myanmar (9,72) nên chỉ nhận được HCB. Vậy là, Thúy Vi chỉ có được 1 HCV ở Seagame 28 ở nội dung biểu diễn kiếm thuật nữ vào hôm qua. Tuy nhiên, toàn đội Wushu rốt cục cũng hoàn thành chỉ tiêu đặt ra khi kết thúc Sea Games 28 với 4 HCV

Doi Wushu Viet Nam hoan thanh chi tieu dat ra o Seagame 28 (4 HCV). Anh: Zing
Đội Wushu Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đặt ra ở Seagame 28 (4 HCV). Ảnh: Zing

– Đội Wushu Việt Nam mang về thêm một HCV cho nước nhà và là thứ 25 từ đầu Seagame 28. Tại chung kết tán thủ (đối kháng) hạng cân 60kg, võ sỹ Hoàng Văn Cao đã xuất sắc đánh bại đối thủ Solis (Philippines) để bước lên bục cao nhất nhận huy chương và quốc ca Việt Nam lại được vang lên trên đất Singapore. Không lâu sau đó, đến lượt đồng đội của Cao ở đội Tán thủ, Nguyễn Văn Tài đã chiến thắng VĐV Tun Kyaw Lin (Myanmar) trong trận chung kết hạng cân 65 kg nam để đem về HCV thứ 26 cho TTVN ở Seagame 28.

– Như vậy, bơi lội Việt Nam đã không có thêm HCV nào trong ngày hôm nay (8/6). Dẫu sao chúng ta cũng có được thành tích đáng khích lệ khi “cô gái thép” Ánh Viên suýt làm nên chuyện ở nội dung 100m tự do trước kỷ lục gia người Singgapore và đặc biệt là tấm HCB ngoài dự kiến của Trần Duy Khôi ở 200 ngửa nam.

– Bất ngờ đã xảy ra ở chung kết nội dung 200m ngửa nam. Kình ngư của Việt Nam Trần Duy Khôi vốn không được đặt nhiều kỳ vọng như Ánh Viên hay Quý Phước cũng như không được đánh giá cao tại nội dung này. Tại vòng loại, thành tích của Duy Khôi cũng rất khiêm tốn. Song nam kình ngư này đã thi đấu cực tốt, dần dần cải thiện thứ hạng qua từng mét để rồi vượt qua một loạt đối thủ mạnh cán đích ở vị trí thứ 2 với thành tích 2 phút 02 giây 44 sau VĐV mạnh Quah Zheng Wen (anh em ruột với Quah Ting Wen) của chủ nhà Singapore, đem về tấm HCB Seagame 28 ngoài dự kiến cho bơi lội Việt Nam. Hôm 7/6, Duy Khôi đã từng đoạt HCĐ nội dung 100m ngửa nam. Xem ra nếu được đầu tư mạnh thời gian tới thì rất có khả năng, Duy Khôi sẽ đổi màu được huy chương ở kỳ Seagames tới, thậm chí tiến xa hơn nữa.

– 18h30: Kình ngư Ánh Viên bước vào chung kết nội dung 100m tự do nữ cùng đồng đội Nguyễn Thị Diệu Linh. Nữ hoàng đường đua xanh của Việt Nam bơi ở làn số 5 còn Diệu Linh bơi ở làn số 8. Ánh Viên không có mặt ở Top 3 trong 50m đầu, thậm chí kém VĐV của Singapore đang giữ kỷ lục Sea Games ở nội dung này Quah Ting Wen đến cả thân người song nữ đại úy trẻ nhất QĐND Việt Nam hiện nay đã tăng tốc và bứt phá cực tốt trong khoảng 20m còn lại để rồi cán đích ở vị trí thứ 2 với thành tích 56 giây 05, chỉ kém một chút so với Quah Ting Wen (55 giây 93). Suýt chút nữa, Ánh Viên làm nên cuộc lật đổ ngoạn mục. Dù sao tấm HCB cũng là thành tích đáng ghi nhận của cô gái vàng này.
– Tại môn Boxing, võ sỹ Nguyễn Văn Hải đã thi đấu xuất sắc đánh bại đối thủ người Indonesia ở bán kết hạng cân dưới 57kg để lọt vào chung kết tranh HCV với võ sỹ của Philippines, á quân Seagames.

– 18h10: Đến lượt Hoàng Quý Phước bước vào chung kết 50m tự do nam và anh bơi ở làn số 8 do đạt thành tích kém nhất vòng loại. Rốt cục, kình ngư Đà Nẵng cũng chẳng đủ sức làm nên chuyện và cũng chỉ cán đích cuối cùng giống như vòng loại với thành tích 23 giây 71. Đoạt HCV ở nội dung này là Schooling, nam kình ngư số 1 Singapore và thêm một kỷ lục Seagames bị phá với thành tích 22 giây 47.

– 18h00: Bắt đầu diễn ra chung kết các nội dung môn bơi lội. Đầu tiền là nội dung 50m ngửa nữ với sự tham dự của siêu kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên. Dù đã thi đấu rất nỗ lực song Ánh Viên không thể làm nên được bất ngờ khi chỉ về đích thứ 3 và đoạt HCĐ với thành tích 29 giây 40. Tấm HCV thuộc về kỷ lục gia Tao Li của Singapore với thành tích 28 giây 40, một kỷ lục Seagames mới. Thật ra, kết quả như vậy là hết sức bình thường bởi Tao Li của Singapore “độc cô cầu bại” trong khu vực ở thể loại bơi bướm và bơi ngửa cự ly ngắn trong khi Ánh Viên dù rất mạnh bơi ngửa nhưng chỉ là cự ly trung bình (từ 200m trở lên).

– Tại môn Billiards & Snookers, Việt Nam chứng tỏ sự thống trị khu vực ở nội dung caroom 1 băng khi ở trận bán kết còn lại, Trần Phi Hùng thắng De La Cruz của Philippines với tỷ số 100 – 87. Như vậy trận chung kết tranh HCV diễn ra vào ngày mai là cuộc đối đầu nội bộ giữa Trần Phi Hùng và đồng đội Mã Minh Cẩm, cơ thủ đã vượt qua “phù thủy” Efren Reyes cũng của Philippines. TTVN chắc chắn có thêm 1 vàng, 1 bạc nữa.

Truc tiep Ban tin, Nhat ky Seagame 28, Sea Games 28 ngay hom nay (86) hinh anh
“Nữ hoàng TDDC” Hà Thanh ăn mừng sau khi giành tấm HCV quý giá nội dung toàn năng nữ
– Ở chung kết nội dung thái cực quyền quy định nam môn wushu, võ sỹ Phạm Ngọc Kiên không thể tiếp nối thành công truớc đó của Trần Xuân Hiệp khi chỉ xếp thứ 4 với 9,44 điểm nên không có được huy chương nào. VĐV Loh Jack Chang của Malaysia giành HCV với 9,71 điểm.

– Ở bán kết bóng bàn đồng đội nam, 3 VĐV Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh và Nguyễn Anh Tú đã xuất sắc đánh bại Malaysia với tỷ số 3-1. Trong đó tay vợt kỳ cựu Tuấn Quỳnh đã thắng hai trận, Anh Tú thắng 1 còn Quang Linh thua. Như vậy, TTVN chắc chắn có thêm một tấm HCB còn khả năng giành vàng là cực thấp bởi ở chung kết diễn ra vào tối nay, chúng ta sẽ phải gặp chủ nhà Singapore số 1 khu vực ở môn bóng bàn nhiều năm qua, chủ yếu dựa vào các VĐV nhập tịch từ Trung Quốc.

– 16h00: Diễn ra nội dung toàn năng nữ môn TDDC với sự tham gia của hai VĐV: Phan Thị Hà Thanh – ngôi sao số 1 TDDC Việt Nam cũng như khu vực cùng đồng đội Đỗ Thị Vân Anh. Sau hai bài đầu tiên, Hà Thanh đã thi đấu đúng sức để có được điểm số cao nhất (26,400). Bước sang bài thi thứ 3 (cầu thăng bằng), “nữ hoàng TDDC” Hà Thanh vẫn thể hiện tốt, không mắc phải sai sót nào, qua đó tiếp tục dẫn đầu với tổng điểm 39,900. Cần nhớ rằng, Hà Thanh từng vài lần đoạt cúp thế giới ở nội dung này nên thành công của cô không có gì bất ngờ. Đến bài cuối cùng (thể dục tự do) Hà Thanh vẫn không mắc bất cứ sai sót nào dù nhỏ nhất và kết thúc nội dung toàn năng nữ một cách hoàn hảo với tổng điểm 53,560 để đoạt tấm HCV đầu tiên tại Seagame 28. Vậy là sau khi thi đấu không tốt ngày hôm qua ở nội dung đồng đội và phải bật khóc, “nữ hoàng TDDC” Hà Thanh đã thể hiện được đẳng cấp vượt trội của mình ở khu vực để bảo vệ thành công tấm HCV Seagames toàn năng nữ.


– Cuối cùng, cơn khát vàng của Wushu Việt Nam cũng đã chấm dứt. Tại nội dung biểu diễn Đao thuật nam, VĐV Trần Xuân Hiệp đã thi đấu xuất sắc để giành số điểm cao nhất (9,72) mang về tấm HCV thứ hai cho Wushu Việt Nam ở Seagame 28 sau thành công của “cô gái vàng” Dương Thúy Vi ở nội dung biểu diễn kiếm thuật nữ. Trần Xuân Hiệp đang có kỳ Seagames khá thành công. Hôm qua, anh đã có tấm HCB ở nội dung côn thuật nam và hôm nay là tấm HCV, bỏ lại sau lưng hàng loạt nỗi thất vọng của cả đội. Ở nội dung này, chúng ta còn có thêm một tấm HCĐ của Nguyễn Mạnh Quyền với điểm số 9,70.
– Thêm một tấm HCĐ nữa cho TTVN đến từ môn boxing hạng cân dưới 49kg nam. Võ sỹ Huỳnh Ngọc Tân đã thua đối thủ người Indonesia ở trận bán kết nên chỉ có thể giành đồng.

– TTVN có thêm một tấm HCĐ từ môn Judo hạng cân đối kháng trên 78 kg của nữ sau khi nữ võ sỹ Trần Thúy Duy đã đánh bại đối thủ của Lào ở trận tranh HCĐ bằng điểm tuyệt đối ippon. Trước đó, Trần Thúy Duy đã thua VĐV Satjadet của Thái Lan nên không thể giành quyền vào chung kết tranh HCV.

– Đội Wushu tiếp tục để lại thất vọng. Ở nội dung biểu diễn thái cực quyền nam tự chọn, VĐV Nguyễn Thanh Tùng dù thi đấu tốt hơn ngày hôm qua (Thái cực kiếm) song cũng chỉ có được 9,68 điểm, xếp thứ 4 chung cuộc, kém 0,03 điểm so với VĐV đoạt HCV của nước chủ nhà Singapore Lee Tze Yuan. Vậy là, hotboy làng Wushu Việt Nam từng lọt Top 6 Vietnam Idols 2012 đã có kỳ Seagame 28 thất bại toàn diện.

Truc tiep Ban tin, Nhat ky Seagame 28, Sea Games 28 ngay hom nay (86) hinh anh 2
Hotboy Wushu Nguyễn Thanh Tùng không có nổi huy chương nào ở Seagame 28. Ảnh: Zing
– Tại môn Boxing hạng cân dưới 54 kg dành cho nữ, niềm hy vọng số 1 Lê Thị Bằng vất vả vượt qua đối thủ người Myanmar ở trận bán kết để giành quyền vào chơi trận chung kết tranh HCV gặp VĐV của Philippines.

– Tại môn Billiards & Snooker, nội dung Caroom 1 băng vốn là thế mạnh bao năm qua của chúng ta, VĐV Mã Minh Cẩm đã vượt qua cơ thủ kỳ cựu người Philippines được mệnh danh “phù thủy” Efren Reyes với tỷ số 100-84 ở bán kết để giành quyền vào chung kết. Cái tên Reyes rất nổi tiếng trong làng Billiards & Snooker khu vực cũng như thế giới khi ông từng giành biết bao danh hiệu, thành tích cao quý song sở trường của người đàn ông 60 tuổi này cũng như của Billiards & Snooker Philippines là Pool chứ không phải Caroom.

– Đội Wushu Việt Nam tiếp tục thi đấu không thành công ở Seagame 28. Ở nội dung biểu diễn (Taolu) Thái cực kiếm nữ, VĐV Trần Thị Minh Huyền chỉ xếp thứ 4 chung cuộc với 9,62 điểm và không có nổi tấm huy chương nào. VĐV Lindswell của Indonesia giành HCV ở nội dung này với 9,73 điểm. Hôm qua, Minh Huyền đã từng giành HCB nội dung biểu diễn Thái cực quyền dù theo đánh giá, bài biểu diễn của cô xứng đáng giành HCV.

– Đầu giờ chiều, TTVN có thêm hai tấm HCĐ. Ở nội dung cầu mềm 3 m đôi nữ của môn nhảy cầu, hai VĐV Hoàng Lê Thanh Thúy và Ngô Phương Mai mang về cho đoàn thể thao Việt Nam giành được 227,94 điểm, xếp thứ 3 sau cặp VĐV của Malaysia và Singapore. Còn tại môn bóng bàn nội dung đồng đội nữ, ba VĐV Nguyễn Thị Nga, Mai Hoàng Mỹ Trang, Phan Hoàng Tường Giang để thua Thái Lan với tỷ số 1-3 nên chỉ có thể nhận HCĐ. Duy nhất tay vợt số 1 Việt Nam, Mai Hoàng Mỹ Trang có được chiến thắng trước đối thủ.

– Ở bài thi cuối (xà đơn) dù đã nắm chắc trong tay tấm HCV song Đinh Phương Thành vẫn quyết định lưa chọn bài thi với độ khó cao và anh vẫn thi đấu hoàn hảo từ đầu đến cuối như 5 bài trước để rồi giành số điểm rất cao 13,800, nâng tổng điểm lên 86,150 cao nhất nội dung toàn năng nam. Như vậy, Đinh Phương Thành trở thành chủ nhân tấm HCV thứ 22 của đoàn thể thao Việt Nam tại Seagame 28 và là HCV mở hàng trong ngày thi đấu hôm nay (8/6). Việt Nam thống trị ở nội dung này khi Phước Hưng đoạt HCB với số điểm 85,250. VĐV nước chủ nhà đoạt HCĐ với điểm số kém khá xa. Vậy là, đội TDDC nam đã đóng góp 2 HCV cho Việt Nam ở Seagame lần này. Trước đó là HCV nội dung đồng đội nam.

Dinh Phuong Thanh (phai) va Pham Phuoc Hung (trai) tren buc nhan huy chuong Seagame 28. Anh: Vietnamnet
Đinh Phương Thành (phải) và Phạm Phước Hưng (trái) trên bục nhận huy chương Seagame 28. Ảnh: Vietnamnet
– Nhảy chống là bài thi thứ 4 trong số 6 bài của nội dung toàn năn nam. Thành và Hưng vẫn thi đấu tốt để tiếp tục dẫn đầu với số điểm sau 4 bài lần lượt là 56,550 và 56,300 hơn đối thủ Thái Lan xếp thứ 3 khoảng cách an toàn (53,200). Ở bài thứ 5 (xà kép), mọi chuyện vẫn rất hoàn hảo với Thành và Hưng. Cả hai tiếp tục dẫn đầu (Thành có 73, 350 điểm còn Hưng là 71,950) và đối thủ cạnh tranh người Thái Lan Jamorn ngày càng đuối, thậm chí còn bị VĐV Singapore vượt qua để leo lên xếp thứ 3 nhưng kém Thành dẫn đầu rất xa (gần 7 điểm). Như vậy, chúng ta gần như nắm chắc hai tấm huy chương cao nhất ở nôi dung này.

– 10h15: Bắt đầu diễn ra nội dung Toàn năng nam môn Thể dục dụng cụ (TDDC) vốn được đặt rất nhiều kỳ vọng của TTVN. Chúng ta có hai VĐV tham dự ở nội dung này là Phạm Phước Hưng và Đinh Phương Thành. Sau bài thi đầu tiên (thể dục tự do), cả Thành và Hưng đều chơi tốt đạt điểm số cao nhất (14,600 và 14,450). San bài thi thứ hai (ngựa tay quay) chỉ còn Phương Thành duy trì được phong độ để tiếp tục dẫn đầu với tổng điểm 28,700 còn Hưng mắc lỗi nên tụt xuống thứ 3 sau một VĐV Thái Lan. Phong độ cao được Hưng tiếp tục thể hiện ở bài vòng treo để nâng số điểm lên 42,050 điểm tuy nhiên đồng đội của anh, Phước Hưng đã tìm lại được hình ảnh đích thực của mình khi có bài thi xuất sắc để vươn lên dẫn đầu với 42,100 điểm. Cả hai VĐV của chúng ta cùng một VĐV Thái Lan đang bỏ xa các đối thủ còn lại.

– 9h30: Đoàn Thể Thao Việt Nam có thêm một tấm HCĐ đến từ nội dung K1-500 m nữ môn Canoeing nhờ công của VĐV Vũ Thị Linh. VĐV chủ nhà Chen Jiexian về nhất, tiếp theo là Erni Sokoy của Indonesia. Đây cũng là huy chương đầu tiên của đội Canoeing ở kỳ Seagame 28 này. Sau đó, đội có thêm một huy chương nữa nhưng vẫn chỉ là màu Đồng. Đội nữ gồm Nguyễn Thị Hải Yến/Đỗ Thị Thanh Thảo/Ma Thị Tuyết/Dương Thị Bích Loan đã về thứ 3 chung kết nội dung K4-500m nữ, sau nước chủ nhà Singapore và Thái Lan.

– 8h45: Ngày thi đấu chính thức thứ 3 liên tiếp tại Seagame 28, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ có thể mở hàng bằng tấm huy chương Đồng. Tại môn Petanque (bi sắt), VĐV Ngô Ron thất bại trước đối thủ người Campuchia với tỷ số 6-13 ở trận bán kết đơn nam nên chỉ có thể đoạt HCĐ.

– 8h30: VĐV Phan Gia Mẫn bước vào vòng loại 200m bướm. Anh bơi ở lượt đầu tiên và làn số 6. Dù rất nỗ lực bám đuổi các VĐV được đánh giá mạnh hơn nhưng rốt cục, Gia Mẫn chỉ xếp thứ 4 với thành tích 2 phút 08 giây 43. Dẫu vậy, anh vẫn có mặt ở lượt bơi chung kết nhờ thành tích tốt thứ 6 vòng loại.

– 8h18: Ánh Viên tiếp tục tham gia một nội dung nữa: vòng loại 100m tự do nữ. Cô bơi ở lượt đầu tiên và đạt thành tích tốt thứ hai (57 giây 17) sau một VĐV của Indonesia. Tất nhiên, “kình ngư thép” của bơi lội Việt Nam đã có mặt ở chung kết nội dung này. Ở lượt vòng loại thứ hai, còn một VĐV khác của Việt Nam tham dự là Nguyễn Thị Diệu Linh và cô về thứ 4 với thành tích 59 giây 28. Chừng đó là không đủ để Diệu Linh có mặt ở chung kết còn Ánh Viên cũng đạt thành tích tốt thứ hai vòng loại chung cuộc.

– 8h15: Đến lượt Hoàng Quý Phước bước vào vòng loại nội dung 50m tự do nam. Bơi tự do chính là sở trường của kình ngư người Đà Nẵng và ở Seagame 28 lần này, anh cũng mới chỉ tham gia các nội dung bơi tự do và đoạt 1 HCV cự ly 200m, 1 HCĐ cự ly 100m. Dường như bơi cự ly ngắn đòi hỏi tốc độ và bứt phá là điểm yếu của các VĐV bơi lội Việt Nam. Sau thành tích không tốt của Ánh Viên thì Quý Phước cũng chỉ đứng thứ 4 vòng loại thứ hai với thành tích 24 giâyy 03. May mắn, anh vẫn lọt vào lượt bơi chung kết nhưng xếp cuối 8/8 VĐV tham dự.

– 8h05: “Nữ hoàng đường đua xanh” Ánh Viên bước vào vòng loại nội dung 50m ngửa nữ. Cô bơi ở lượt thứ hai cùng đối thủ rất mạnh người Singapore Tao Li. Các cự ly ngắn vốn là sở trường của các VĐV nước chủ nhà nên không có gì ngạc nhiên khi kỷ lục gia Tao Li về nhất và còn phá vỡ kỷ lục Seagames ở nội dung này (29 giây 14) trong khi Ánh Viên chỉ về thứ hai với thành tích 29 giây 92 song chừng đó là quá đủ để cô lọt vào lượt bơi chung kết diễn ra chiều nay. Chỉ có điều thành tích của Ánh Viên chỉ xếp thứ 4 vòng loại. Hôm qua, Ánh Viên đã thất bại ở nội dung 50m bướm và VĐV đoạt HCV không ai khác chính là Tao Li của Singapore.

Bongda24h

The post Nhật ký Seagame 28 ngày thi đấu hôm nay (8/6): Wushu hoàn thành chỉ tiêu, Ánh Viên không thể tiếp tục gặt Vàng appeared first on Việt Nam New - Tin tức nóng hổi trong nước và ngoài nước.



từ Nhật ký Seagame 28 ngày thi đấu hôm nay (8/6): Wushu hoàn thành chỉ tiêu, Ánh Viên không thể tiếp tục gặt Vàng https://ift.tt/2KKRS4N
via VnNew - Tạp chí tin tức Việt Nam hay Nhất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét