Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kì SEA Games thành công tại Singapore, và bây giờ là lúc kiên trì với kế hoạch chinh phục ASIAD và Olympic.
1. Điểm nhấn ấn tượng nhất của Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 28 không gì khác ngoài thành tích vô tiền khoáng hậu của VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Với 8 HCV, “tiểu tiên cá” đã phá kỷ lục về số HCV cá nhân giành được trong một kỳ SEA Games của cựu VĐV Jescelin Yeo và Tao Li (Singapore) – đều có 7 HCV cá nhân. Ngoài ra, thành tích của Ánh Viên còn là phá 8 kỉ lục SEA Games ở 7 nội dung, đoạt 1 HCB và 1 HCĐ.
2. Môn bơi lội cũng chứng kiến thêm kì tích khác đến từ Lâm Quang Nhật. Ở nội dung 1500m, kình ngư sinh năm 1997 không những phá sâu kỉ lục SEA Games mà VĐV Ryan Arabejo (Philippines) lập tại Vientian Lào năm 2009 – nhanh hơn 7 giây 20 so với 15 phút 37 giây 75, mà còn là VĐV đầu tiên trong lịch sử đại hội bảo vệ được tấm HCV ở nội dung này. Kỉ lục cuối cùng của môn bơi lội được tạo nên bởi Hoàng Quý Phước. Ở nội dung 200m tự do nam, VĐV người Đà Nẵng giành HCV và phá kỷ lục SEA Games với thành tích 1 phút 48 giây.
Nguyễn Thị Ánh Viên trải qua kỳ Seagame 28 phi thường. Ảnh: VTC |
3. Ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ, bộ tứ VĐV Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền đã phá vỡ kỷ lục SEA Games đã tồn tại suốt 24 năm, với thành tích 3 phút 31 giây 46. Kỉ lục cũ thuộc về đội tuyển nữ Thái Lan tạo ra ngày 3/12/1991 tại Manila (Philippines), với thành tích 3 phút 35 giây 53.
4. “Siêu nhân” Vũ Văn Huyện đã có sự kế thừa xứng đáng ở nội dung 10 môn phối hợp, khi học trò của anh – Nguyễn Văn Huệ mang về chiếc HCV ở bộ môn khó nhằn này. Nội dung 10 môn phối hợp trong điền kinh dành cho nam gồm: chạy 100m, nhảy xa, đẩy tạ, nhảy cao, chạy 400m, chạy 110m rào, ném đĩa, nhảy sào, ném lao và chạy 1500m. Sở dĩ Vũ Văn Huyện có biệt danh “siêu nhân” là vì anh là VĐV duy nhất giành HCV 10 môn phối hợp ở bốn kì SEA Games liên tiếp. Hiện kỷ lục SEA Games của Vũ Văn Huyện ở nội dung 10 môn phối hợp là 7558 điểm. Thành tích giúp học trò của anh – Huệ đoạt HC vàng năm nay là 7232 điểm. Nhưng theo Huyện thì, một hoặc hai năm nữa, cậu học trò này sẽ vượt qua anh.
5. Nguyễn Thị Huyền xứng đáng là VĐV xuất sắc nhất ở môn điền kinh. Cô gái quê Nam Định phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m rào nữ tồn tại suốt 20 năm qua với thời gian 56 giây 15, đồng thời cũng vượt chuẩn Olympic (56 giây 20) để trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự Olympic Rio 2016. Ở nội dung 400m nữ, Huyền tiếp tục đạt chuẩn tham dự Olympic 2016 tại Brazil với thành tích 52 giây – đoạt HCV nội dung này. Ngoài Huyền, điền kinh Việt Nam cũng có thêm một VĐV xuất sắc khác là Đỗ Thị Thảo – giành hai HCV ở các nội dung 800m và 1500m.
6. Điền kinh Việt Nam lần thứ ba phá kỉ lục SEA Games đã tồn tại hơn 20 năm với sự nỗ lực của Nguyễn Văn Lai. VĐV từng là “anh nuôi” trong quân ngũ tiếp tục chứng tỏ vị thế ông hoàng điền kinh cự li dài ở Đông Nam Á khi bảo vệ thành công HCV ở nội dung 5000m, và với thành tích 14 phút 04 giây 82, anh cũng đã phá kỷ lục tồn tại 22 năm ở SEA Games. Kỷ lục cũ là 14 phút 08 giây 97 thuộc về VĐV của Malaysia.
7. Ngoài “cô gái vàng” Phan Thị Hà Thanh đã mang về 3 HCV, 1 HCĐ, TDDC Việt Nam trình làng thêm một VĐV đầy triển vọng, là Đinh Phương Thành. Chàng trai 19 tuổi này đã mang về 4/9 HCV cho Thể dục dụng cụ (trong đó có 3 HCV cá nhân). Đặc biệt nhất trong số 4 HCV của Thành là tấm HCV ở nội dung toàn năng nam – điều mà trước đó TDDC Việt Nam chưa bao giờ giành được, anh đã khiến cả nhà thi đấu dõi theo không rời với từng động tác biểu diễn.
8. Ở môn boxing, Trương Đình Hoàng ghi dấu ấn khi phá dớp thua cay đắng trước Thái Lan của các VĐV nam Việt Nam trước đó. Trong trận chung kết hạng cân 75kg, tay đấm sinh 1990 đã đả bại nhà vô địch boxing thế giới năm 2013 – Khakhokkhruea Aphisit, để giành tấm HCV đầy cảm xúc.
9. Làm nên kì SEA Games thành công cho Đoàn thể thao Việt Nam còn thấm đẫm mồ hôi, sự nỗ lực vượt qua chính mình của các VĐV ở môn đấu kiếm, rowling và xe đạp. Trước khi tham dự SEA Games 28, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 5 HCV. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, các VĐV đấu kiếm Việt Nam đã khuynh đảo khu vực với mà họ còn kết quả chung cuộc là 8 tấm HCV ở các nội dung cá nhân lẫn đồng đội. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là “độc cô cầu bại” Lệ Dung – 8 HCV sau 5 kì đại hội. Ở nội dung xuất phát đồng hàng, Nguyễn Thị Thật đã mang về tấm HCV cho xe đạp Việt Nam sau 14 năm “khát vàng”. Đáng nói là tấm HCV này giành được đầy căng thẳng khi BTC đã quyết định xử thua VĐV Thái Lan vì lỗi cố tình ép xe lúc nước rút về đích. Ở môn rowling, Nguyễn Văn Linh đã có cú đúp HCV ở các nội dung thuyền nhẹ đơn nam 500m và 1000m.
10. Giành được nhiều HCV các môn trong hệ thống Olympic. Trong tổng cộng 73 HCV mà Đoàn thể thao Việt Nam có được sau khi SEA Games 28 kết thúc, có tới 64 HCV ở các môn Olympic – cao nhất từ trước đến này. Ngoài ra, lần đầu tiên trong vòng nhiều năm trở lại, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với số lượng VĐV đã được tinh giản đến mức tối thiểu (392 người so với số lượng 500-700 trước đây), nhưng vẫn vượt chỉ tiêu HCV đề ra trước đại hội. Ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, cũng như ông Trần Đức Phấn – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, đều nhất trí với quan điểm, thể thao Việt Nam sẽ tích cực hướng đến các mục tiêu ở Asiad và Olympic.
Theo VTC
The post 10 điểm nhấn của Thể thao Việt Nam tại SEA Games appeared first on Việt Nam New - Tin tức nóng hổi trong nước và ngoài nước.
từ 10 điểm nhấn của Thể thao Việt Nam tại SEA Games https://ift.tt/2XIWuxE
via VnNew - Tạp chí tin tức Việt Nam hay Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét